Trong khuôn khổ nội dung công việc của nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư "Nghiên cứu hiện trạng nguồn nước mặt và dự báo xâm nhập mặn tại lưu vực sông Cauto làm cơ sở đề xuất các giải pháp tăng cường sản xuất lúa gạo và cải thiện cấp nước cho người dân", mã số NĐT.100.CU/21, nhiệm vụ đã triển khai 01 đoàn vào do ông Javier Toledo Tapanes, Phó Chủ tịch Cơ quan Tài nguyên nước quốc gia Cuba, làm trưởng đoàn, thời gian từ ngày 12/10/2023 - 15/10/2023. Trong thời gian làm việc tại Hà Nội, đoàn công tác của Cơ quan Tài nguyên nước quốc gia Cuba cũng đã tham dự hội thảo khoa học lấy ý kiến chyên gia về các kết quả thực hiện nhiệm vụ nêu trên được tổ chức vào ngày 13/10/2023 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, TS. Nguyễn Anh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước giới thiệu thành phần khách mời, mục đích của hội thảo và nhấn mạnh các kết quả đạt được của đề tài "Nghiên cứu hiện trạng nguồn nước mặt và dự báo xâm nhập mặn tại lưu vực sông Cauto làm cơ sở đề xuất các giải pháp tăng cường sản xuất lúa gạo và cải thiện cấp nước cho người dân".
Đại diện đơn vị chủ trì, TS. Trần Anh Phương – Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt các nội dung và kết quả của nhiệm vụ:
Với mục tiêu đề tài:
- Làm rõ hiện trạng nguồn nước mặt và xâm nhập mặn trên lưu vực sông Cauto;
- Thiết lập được mô hình mô phỏng và dự báo nguồn nước mặt và xâm nhập mặn theo các kịch bản khai thác sử dụng nước khác nhau có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu;
- Đề xuất được giải pháp khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn nước mặt phục vụ sản xuất lúa gạo và cải thiện cấp nước cho người dân;
- Tăng cường được năng lực nghiên cứu của 2 đối tác là Viện Khoa học tài nguyên nước và Viện Khoa học thuỷ lợi quốc gia Cuba.
Các nội dung thực hiện của đề tài:
Nội dung 1: Nghiên cứu và triển khai trong nước
1.1 Phân tích, so sánh các mô hình mô phỏng quá trình thuỷ văn, thuỷ lực, cân bằng nước và xâm nhập mặn, làm kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ ở lưu vực sông Cauto
1.2. Phân tích tính khả thi của phương pháp viễn thám trong xác định biến đổi theo không gian và thời gian của độ mặn trên lưu vực sông Cauto
1.3. Phân tích khả năng ứng dụng của các biện pháp công trình và phi công trình đã và đang được thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới cho lưu vực sông Cauto
Nội dung 2: Hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài
2.1. Tổng quan về các tài liệu, số liệu phục vụ nghiên cứu và đánh giá hiện trạng nguồn nước và xâm nhập mặn trên lưu vực sông Cauto
2.2. Điều tra thực địa bổ sung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng nước, các vấn đề về xâm nhập mặn tại lưu vực sông Cauto
2.3. Nghiên cứu thiết lập bộ mô hình thuỷ văn, thuỷ lực, cân bằng nước và xâm nhập mặn trên lưu vực sông Cauto
2.4. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong xác định độ mặn
2.5. Xác định các kịch bản hiện trạng và tương lai về dân số, khai thác sử dụng nước và biến đổi khí hậu
2.6. Tính toán nhu cầu dùng nước của các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực sông Cauto
2.7. Phân tích, đánh giá chế độ dòng chảy và xâm nhập mặn theo các kịch bản biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội
2.8. Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất lúa gạo và cấp nước sinh hoạt
2.9. Lập sơ đồ/bản đồ phân bố dòng chảy, cân bằng nước và xâm nhập mặn
2.10. Đề xuất các giải pháp tăng cường sản xuất lúa gạo và cải thiện cấp nước cho người dân
2.11. Báo cáo tổng hợp của nhiệm vụ
2.12 Đoàn ra - đoàn vào
Tháng 8-9/2022, nhiệm vụ đã triển khai 01 đoàn ra “Điều tra khảo sát thực địa lưu vực sông Cauto (2 người x 24 ngày) từ ngày 17/8/2022 đến ngày 11/9/2022 và làm việc với các đơn vị/ các cơ quan có liên quan về các nội dung công việc như đã phân công trong bản kế hoạch chia sẻ công việc phục vụ Nội dung 2.1 (3 người x 9 ngày) từ ngày 04/9/2022 đến ngày 12/9/2022”, kết quả bước đầu đoàn công tác đã thu thập được các tài liệu, số liệu về dòng chảy mặt và độ mặn phục vụ tính toán, mô phỏng thủy văn, thủy lực, cân bằng nước và xâm nhập mặn, các số liệu về mặt cắt ngang cũng như trao đổi và làm việc về các nội dung công việc chính như đã phân công trong bản kế hoạch chia sẻ công việc.
- Dự kiến đoàn ra 2 sẽ triển khai vào Tháng 11/2023 với mục đích tổ chức “Hội thảo quốc tế tại Cuba phục vụ nội dung 2.6” (5 người x 6 ngày) - thảo luận về một số kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua đồng thời thảo luận về kế hoạch triển khai trong giai đoạn tiếp theo với các cơ quan nghiên cứu và quản lý của Cuba nhằm đảm bảo các sản phẩm đầu ra đạt được các yêu cầu của phía bạn.
- Từ ngày 12/10-15/10/2023, đoàn vào của Cơ quan Tài nguyên nước quốc gia Cuba với mục đích tổng kết nhiệm vụ và tổ chức hội thảo quốc tế tại Hà Nội (3 người x 6 ngày) phục vụ chuyển giao công nghệ.
Các sản phẩm chính của đề tài:
- Bộ cơ sở dữ liệu nguồn nước mặt và xâm nhập mặn trên lưu vực sông Cauto.
- Báo cáo kết quả tính toán nguồn nước mặt và dự báo xâm nhập mặn.
- Báo cáo đề xuất giải pháp tăng cường sản xuất lúa gạo và cải thiện cấp nước cho người dân
- Báo cáo tổng kết
- Bản đồ tài nguyên nước mặt và xâm nhập mặn tỉ lệ 1/100.000
Sau khi chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày các kết quả thực hiện đề tài, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng thảo luận về những kết quả đạt được và những tồn tại khắc phục.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Đức đề nghị nhóm thực hiện đề tài tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo để chuẩn bị cho Hội đồng nghiệm thu đề tài.