Trong những năm vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã trải qua nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng đặc biệt là mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt hạn mặn này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân nhất là ở các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau và ven biển ĐBSCL. Trong bối cảnh đó việc đề ra các giải pháp trữ nước khả thi cho vùng, góp phần chủ động ứng phó với hạn mặn, là một yêu cầu cấp thiết. Trong khuôn khổ của Dự án “Xây dựng các giải pháp tổng thể trữ nước vùng đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL” chúng tôi đã xác định được các giải pháp trữ nước có thể áp dụng cho vùng ĐBSCL.
1) Giải pháp qui hoạch các khu trữ nước
Trữ nước cấp hộ gia đình: Giải pháp này áp dụng cho qui mô hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình. Đối với nước sinh hoạt, nước mưa được trữ ở các bồn hoặc các bể chứa nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt (chủ yếu là ăn uống). Đây cũng là giải pháp được các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân đồng thuận vì đây là giải pháp có chi phí xây dựng tương đối thấp có thể đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu của người dân trong mùa khô. Nhà nước có thể hỗ trợ 1 phần để các hộ dân xây dựng. Ngoài ra, để phục vụ cấp nước tưới cho cây ăn trái, các hộ gia đình có thể chứa nước trong các mương dẫn nước của gia đình mình hoặc đào ao qui mô gia đình. Giải pháp này có thể áp dụng cho tất cả các khu vực thiếu nước của ĐBSCL.
Một số giải pháp trữ nước qui mô hộ gia đình ở ĐBSCL
Trữ nước tại chỗ tại các ao hồ nhỏ tại những khu dân cư; tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên và xây dựng các hồ chứa nước nhân tạo tại các vùng khan hiếm nước. Giải pháp này có thể áp dụng cho qui mô từ cấp cụm dân cư, ấp đến cấp xã, huyện. Với giải pháp này, nước có thể lấy từ nước sông (đối với các khu trữ gần hoặc liên thông với hệ thống sông) hoặc gom từ nước mưa. Đây là giải pháp được sự đồng thuận cao. Giải pháp này chủ yếu tiến hành nạo vét, cải tạo các kênh sông, ao hồ, khu trũng tự nhiên có sẵn nên có chi phí thấp, dễ thực hiện nhưng hiệu quả cấp nước tại chỗ tương đối cao. Tuy nhiên giải pháp này phụ thuộc vào địa hình khu vực cũng như quĩ đất sẵn có.
![A picture containing grass, nature, outdoor, way Description automatically generated]()
Hồ chứa nước Kênh Lấp, Ba Tri, Bến Tre (Nguồn vnexpress.net)
Trữ nước ở các bể ngầm: Đây là giải pháp qui mô nhỏ. Giải pháp này sẽ tiến hành xây các bể trữ nước để thu gom nước mưa phục vụ tưới hoặc sinh hoạt. Ưu điểm của giải pháp này là tiết kiệm quỹ đất cho các mục đích khác và do đó có thể áp dụng được ngay cả ở khu có mật độ sử dụng đất cao. Tuy nhiên, giải pháp này tương đối tốn kém vì chi phí đào đắp và đầu tư vật liệu xây dựng, chịu tải. Giải pháp có thể áp dụng để cấp nước tưới cho các vườn cây ăn trái, thu gom nước mưa ở các khu đô thị và dùng để tưới cây hoặc phòng cháy chữa cháy.
![A solar panel on a roof Description automatically generated with medium confidence]()
Giải pháp trữ nước ở các hầm chứa nước
Giải pháp xây dựng các hồ trữ nước cấp nước tại chỗ qui mô cấp tỉnh/huyện: Xây dựng các hồ chứa qui mô lớn tập trung có khả năng cấp nước cho 1 huyện/1 tỉnh. Giải pháp giải quyết được vấn đề thiếu nước ở qui mô tương đối lớn. Giải pháp này tập trung nạo vét các khu trũng lớn hoặc vùng đất ngập nước hoặc chặn 1 đoạn sông để làm nơi trữ nước. Một số khu trữ nước qui mô này đã được xây dựng như Hồ Kênh Lấp ở Ba Tri, Bến Tre, Hồ Otuksa ở Tịnh Biên, An Giang, Hồ chứa nước ở huyện An Minh, Kiên Giang hoặc các khu vực đất ngập nước như Tràm Chim (Đồng Tháp) hoặc U Minh Hạ (Cà Mau). Đây là các giải pháp trữ nước hiện nay nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đang đề xuất vì nó phục vụ trực tiếp cho việc cấp nước của địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện giải pháp này cần chú ý đến vấn đề trữ nước làm thay đổi hệ sinh thái hiện có, xử lý các vấn đề nhiễm phèn, nhiễm mặn.
![A body of water with mountains in the background Description automatically generated with medium confidence]()
Hồ Otuksa, Tịnh Biên, An Giang
Trữ nước ở các các vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười: Đây là giải pháp được đề xuất trong kế hoạch Đồng bằng (MDP). Giải pháp đề xuất trữ nước trong mùa lũ ở các vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, giảm số vụ trồng lúa từ 3 xuống 2 vụ. Giải pháp này có ưu điểm là vừa giảm lũ vào mùa mưa vừa đẩy mặn và cấp nước vào mùa khô. Tuy nhiên, giải pháp này có qui mô lớn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư cũng như ảnh hưởng đến người dân vùng ngập lũ cũng như các vấn đề về môi trường.
2) Giải pháp xây dựng qui trình điều tiết hệ thống công trình thuỷ lợi vùng ĐBSCL
Giải pháp này là một giải pháp phi công trình phục vụ trữ nước và là giải pháp liên vùng. Giải pháp hướng tới việc vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi đặc biệt là các công trình lớn như Tha La – Trà Sư, hệ thống Cái Lớn – Cái Bé, âu thuyền Ninh Quới để tối ưu tích nước vào hệ thống sông kênh nội đồng trong mùa khô. Dựa vào thông tin dự báo nguồn nước mùa khô vào ĐBSCL, việc vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi có thể được thực hiện để lấy được tối đa lượng nước vào hệ thống sông kênh nội đồng, phục vụ cấp nước trong mùa khô. Chẳng hạn, nếu lượng nước đến ĐBSCL vào mùa khô được dự báo ít hơn trung bình nhiều năm, nước sẽ được tích sớm vào hệ thống kênh nội đồng. Ngược lại, nếu lượng nước đến ĐBSCL vào mùa khô được dự báo nhiều hơn trung bình nhiều năm thì nước có thể được tích muộn hơn. Đồng thời, trong mùa khô, hệ thống công trình thuộc các vùng thuỷ lợi cũng sẽ được xây dựng qui trình vận hành nhằm điều tiết, phân bổ hài hoà nguồn nước giữa các địa phương, tránh tranh chấp giữa các địa phương trong cùng vùng một thuỷ lợi.
![]()
Công trình thuỷ lợi Tha La – Trà Sư
Các giải pháp kể trên nếu được áp dụng đồng bộ và phối hợp với nhau có thể tăng đáng kể khả năng trữ nước của ĐBSCL, góp phần chủ động nguồn nước, phòng chống hạn mặn trong điều kiện khô ngày càng diễn biến phức tạp.
TS. Trần Anh Phương