ThS. Trần Đức Thiện, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tổng kết nội dung chính và kết quả đạt được của Đề tài:

- Đề tài công bố 02 bài báo trên Tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước có uy tín.
- Đề tài đã trực tiếp hỗ trợ đào tạo 01 thạc sĩ ngành thủy văn học, trường Đại học Thủy lợi.
- Đề tài đã xây dựng được:
+ Công nghệ cảnh báo sớm thời đoạn 03-06 tháng nguồn nước mùa cạn và nguy cơ thiên tai hạn hán, thiếu nước cho ĐBSCL;
+ Hướng dẫn sử dụng công nghệ cảnh báo sớm với thời đoạn 03 đến 06 tháng nguồn nước mùa cạn và nguy cơ thiên tai hạn hán, thiếu nước cho Đồng bằng sông Cửu Long;
+ Xác định được các ngưỡng Q, H, W phía thượng nguồn (Kratie, Hồ Tonle Sap) để xem xét nước về ĐBSCL theo các thang phân cấp cảnh báo.
+ Kết quả áp dụng thử nghiệm cảnh báo sớm nguồn nước mùa cạn và nguy cơ thiên tai hạn hán, thiếu nước cho Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2022;
+ Kết quả của đề tài có tính hữu ích cao cho công tác quản lý, quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước ở ĐBSCL, hỗ trợ xây dựng kịch bản.
Đề tài đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn đáp ứng yêu cầu đặt hàng, tuy nhiên cần điều chỉnh, hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu ở những vấn đề sau:
+ Cần rà soát nội dung để bố cục chặt chẽ hơn, đi thẳng vào nội dung nghiên cứu, tránh trùng lắp, chỉnh sửa các lỗi biên tập;
+ Cùng với phân tích trạng thái ENSO và điều kiện nền thủy văn thì dự báo mưa là phần rất quan trọng, nhưng trong Báo cáo chưa đánh giá được độ tin cậy của số liệu dự báo mưa từ nguồn ClimateSERV. Đề nghị xem xét đánh giá, so sánh giữa các nguồn dự báo mưa khác nhau để lựa chọn các nguồn số liệu dự báo tin cậy nhất phù họp với từng vùng trong lưu vực;
+ Sau năm 2000, dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công ngày càng bị tác động của vận hành thủy điện trên lưu vực, vì vậy việc chọn giá trị trung bình nhiều năm trong chuỗi 1985 - 2018 để phân tích, so sánh với những năm gần đây là chưa phù hợp. Trạm quan trắc Luang Phrabang bị ảnh hưởng của mực nước hồ thủy điện Xayabury nên việc tính toán dòng chảy theo quan hệ Q~H thông thường không còn phù hợp nữa;
+ Vai trò của hồ Tonle Sáp: Biển Hồ rất quan trọng trong việc điều hòa dòng chảy đầu mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên trong bối cảnh trên lưu vực đã có rất nhiều công trình điều tiết trong đó có khá nhiều hồ chứa dung tích rất lớn thì dòng chảy mùa khô không chỉ phụ thuộc vào dung tích nước trữ trên hồ Tonle Sáp mà còn phụ thuộc rất nhiều vào dung tích trữ trên các hồ chứa trên lưu vực. Do đó cần có các đánh giá về lượng trữ trên lưu vực;
+ Việc phân tích mối liên hệ giữa lũ và mùa cạn tiếp theo cũng cần minh chứng bằng số liệu thực tế của nhiều năm xảy ra hạn để kết luận. Việc phân kỳ lũ lớn, nhỏ chỉ căn cứ vào lưu lượng đỉnh lũ mà không xét đến tổng lượng và thời gian xuất hiện đỉnh lũ thì chưa đủ để đánh giá tình hình mùa khô tiếp theo, vì nếu đỉnh lũ lớn nhưng xuất hiện sớm, đỉnh lũ nhọn (lũ năm 2019) vẫn dẫn đến mùa khô rất nghiêm trọng.
Phát biểu tổng kết, ThS. Lương Duy Hanh đã nêu kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu của các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện đề tài, cũng như của cơ quan chủ trì là Viện KH TNNN. Đề nghị nhóm thực hiện đề tài tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng, chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm của Đề tài.